Thi công xây dựng: Quy định phòng cháy chữa cháy thế nào?
[ad_1]
Quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong thi công xây dựng hiện hành sẽ áp dụng theo QCVN 18:2021/BXD được ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD. Vậy, quy định cụ thể thế nào?
Hình minh họa
Trả lời:
Quy chuẩn PCCC tại công trường xây dựng và khu vực lân cận
(1) Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên công trường phải tuân thủ quy định của quy chuẩn này và các quy định của pháp luật khác có liên quan về PCCC.
(2) Người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện các biện pháp cần thiết để:
– Ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cháy;
– Kiểm soát nhanh chóng và hiệu quả đám cháy;
– Đảm bảo thoát nạn nhanh chóng và an toàn.
(3) Các vật tư, vật liệu, cấu kiện, chất, hóa chất dễ cháy phải được lưu trữ riêng biệt trong các kho chứa phù hợp và có biện pháp ngăn chặn người xâm nhập trái phép.
(4) Không được hút thuốc trong công trường ngoại trừ các khu vực được bố trí riêng để cho phép hút thuốc. Biển báo “Cấm hút thuốc” phải được bố trí ở nơi dễ thấy, ở gần và tại các khu vực có chứa chất dễ cháy hoặc vật liệu cháy.
(5) Trong không gian hạn chế hoặc những khu vực mà khí, hơi, bụi dễ cháy có thể gây nguy hiểm:
– Chỉ được phép sử dụng các trang thiết bị điện (kể cả các dây dẫn điện, nguồn cấp điện khác) và đèn xách tay ĐBAT cháy;
– Không cho phép sử dụng lửa trần, thiết bị tạo nhiệt hoặc các nguồn gây cháy khác;
– Phải có biển báo “Cấm hút thuốc”;
– Phải thường xuyên và kịp thời dọn dẹp các chất, phế thải dễ cháy như gỗ, bìa, mùn cưa, giẻ, chất thải lẫn dầu mỡ ra khỏi khu vực này;
– Phải bố trí hệ thống thông gió phù hợp.
(6) Tại nơi làm việc:
– Các vật liệu, chất cháy, dễ cháy phải được để trong các hộp, thùng kín làm bằng kim loại hoặc vật liệu chống cháy khác;
– Phải thường xuyên dọn dẹp phế thải (chất cháy, dễ cháy) và chuyển đi.
(7) Phải thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao ở công trường như: Khu vực gần các thiết bị tạo ra nhiệt, dây dẫn điện và hệ thống điện; nơi lưu trữ vật liệu, chất cháy, dễ cháy; nơi có các hoạt động hàn, cắt và tạo nhiệt khác.
(8) Công việc hàn, cắt bằng nhiệt và các hoạt động tạo nhiệt khác chỉ được thực hiện khi:
– Các thiết bị hàn, cắt đã được kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định an toàn theo quy định;
– Các biện pháp phòng ngừa phù hợp cần thiết đã được thực hiện để giảm thiểu nguy cơ cháy;
– Có sự giám sát của người được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề về PCCC.
(9) Tại các khu vực có nguy cơ cháy, phải trang bị thiết bị chữa cháy phù hợp được đặt ở nơi dễ thấy, dễ tiếp cận; bố trí và duy trì nguồn cấp nước chữa cháy đầy đủ, đảm bảo áp lực cần thiết. Các thiết bị chữa cháy phải được bảo trì và kiểm tra, kiểm định an toàn định kỳ theo quy định về PCCC. Đường tiếp cận nơi đặt các trang thiết bị chữa cháy như vòi, họng nước chữa cháy, bình chữa cháy xách tay, van, đầu nối với đường ống cấp nước chữa cháy phải được đảm bảo thông thoáng trong mọi thời điểm.
(10) Phải bố trí đầy đủ các phương tiện, thiết bị cảnh báo cháy phù hợp ở nơi có nguy cơ cháy và những nơi cần thiết khác. Các phương tiện, thiết bị này phải đảm bảo nghe rõ và có thể để truyền tải tín hiệu, thông tin cảnh báo về cháy, dấu hiệu có cháy hoặc nguy cơ cháy tới tất cả các vị trí, khu vực trong công trường có người lao động làm việc.
(11) Biển báo hướng dẫn cho phương tiện, thiết bị cảnh báo cháy, phục vụ chữa cháy phải được bố trí ở nơi dễ thấy và ghi rõ:
– Vị trí nút (hoặc công tắc) của thiết bị cảnh báo cháy hoặc vị trí gần nhất của phương tiện báo cháy;
– Số điện thoại và (hoặc) các phương tiện liên lạc khác, địa chỉ cụ thể của bộ phận cứu nạn, cứu hộ tại công trường, đơn vị Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ ở nơi gần nhất.
(12) Lối thoát nạn phải được kiểm tra thường xuyên và duy trì thông thoáng trong mọi thời điểm, đặc biệt là đối với các khu vực trên cao và các khu vực bị hạn chế tiếp cận như trong tầng ngầm, công trình ngầm, đường hầm, không gian hạn chế; phải lắp đặt các biển chỉ dẫn hướng thoát nạn khi xảy ra cháy tại các vị trí phù hợp, dễ thấy.
(13) Người sử dụng lao động phải:
– Tổ chức, huấn luyện cho người lao động sử dụng thiết bị chữa cháy, kỹ năng thoát nạn cho người lao động (bao gồm quy trình, các việc cần phải thực hiện trong trường hợp có cháy, các biện pháp hoặc kỹ năng thoát nạn);
– Bố trí tối thiểu 02 người đã được huấn luyện kỹ năng PCCC theo quy định để phục vụ cho công việc chữa cháy khi cần thiết tại nơi làm việc ở công trường.
(14) Trong các ca làm việc, số lượng người lao động bao gồm tên, cách thức hoặc phương tiện liên lạc phải được người sử dụng lao động và các đơn vị quản lý, sử dụng nhân lực có liên quan ghi chép chi tiết để quản lý và phục vụ cho việc ĐBAT cháy.
(15) Người sử dụng lao động phải có kế hoạch thoát nạn cụ thể và hiệu quả để tất cả mọi người được thoát nạn nhanh chóng, không xảy ra tình trạng hoảng loạn. Ngoài ra, trong kế hoạch thoát nạn phải xét đến việc máy, thiết bị và các công việc thi công bị ngừng hoặc phải ngừng khi có cháy. Người sử dụng lao động phải tổ chức diễn tập thoát nạn định kỳ cho tất cả người lao động trên công trường.
Mức phạt hành chính về PCCC trong đầu tư, xây dựng
Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính khi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng như sau:
(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp và phương tiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công, xây dựng công trình theo quy định của pháp luật.
(2) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(i) Thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền;
(ii) Cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình hoặc hoán cải phương tiện giao thông cơ giới khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
(iii) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoặc giấy tờ khác liên quan đến công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp.
(3) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
(i) Thi công công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
(ii) Chế tạo phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
(4) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
(5) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
[ad_2]
Thi công xây dựng: Quy định phòng cháy chữa cháy thế nào?